KINH TẾ - CHÍNH TRỊ
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới , đến nay bộ mặt nông thôn và đời sống người nông dân huyện Phúc Thọ đã có sự thay đổi rõ rệt. Kinh tế phát triển bền vững, diện mạo nông thôn khang trang, tươi mới, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Đó là minh chứng thể hiện sự nỗ lực vượt khó cùng với những bước đi, cách làm đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện có nhiều chuyển biến tích cực
Tính đến nay, toàn huyện Phúc Thọ có 100% các xã được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngày 30/3/2021, huyện Phúc Thọ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020. Trong quá trình xây dựng nông thông mới, tình hình kinh tế – xã hội nông thôn tại huyện có bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện và dần nâng cao. Tốc độ tăng giá trị các ngành chủ yếu bình quân trong 10 năm đạt 9,1%, nông nghiệp tăng bình quân 4,9%, công nghiệp - xây dựng tăng 11,8%, thương mại- dịch vụ tăng 9,2%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh 100% , tăng 20% so với năm 2010; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 58,52% , tăng 20,6% so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,91% giảm 111 hộ đạt 185%. Thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm, năm 2020 đạt 52 triệu đồng/người/năm.
Huyện tăng cường đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, thông tin tuyên truyền nâng cao đời sống nhân dân
Đặc biệt, công tác y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn huyện đạt 88,5%. Công tác phòng chống dịch bệnh được chỉ đạo quyết liệt, cơ sở hạ tầng của mạng lưới y tế cơ sở, y tế huyện được đầu tư kịp thời, đảm bảo công tác khám chữa bệnh, hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tuyến, vượt tuyến. Công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn được quan tâm, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày một tăng; công tác hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và người nghèo được đảm bảo đúng, đủ, kịp thời.
Cuộc vận động "3 sạch" trên địa bàn Huyện tạo sức lan tỏa sâu rộng
Công tác vệ sinh môi trường nông thôn đã được chú trọng với “điểm sáng” là cuộc vận động 3 sạch: “Nước sạch, Môi trường sạch, Nông nghiệp sạch” và cuộc thi “Giữ gìn đường, làng, ngõ, xóm, thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Đến năm 2020, môi trường của huyện đã có những chuyển biến tích cực nhiều so với khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình, toàn huyện đã có 634 đoạn đường phụ nữ tự quản, nhiều đoạn đường nở hoa, với tổng chiều dài 47km, trên 5km đường có tranh bích họa, 45 điểm sinh hoạt cộng đồng xanh, sạch, đẹp thân thiện với môi trường. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, đời sống tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. An ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, công tác quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường, ổn định.
Mặc dù đã đạt huyện nông thôn mới, đời sống nhân dân được nâng cao nhưng Huyện ủy-HĐND-UBND huyện Phúc Thọ xác định đó chỉ là bước đầu và xây dựng Nông thôn mới phải là quá trình liên tục, không có điểm dừng. Tại nhiều địa phương, công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng chưa dừng lại. Nhiều Đảng bộ và người dân vẫn tiếp tục chung tay để đạt được những tiêu chí mới của chương trình mang đầy ý nghĩa nhân văn này.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025 và kể cả những nhiệm kỳ tiếp theo, việc xây dựng nông thôn mới vẫn là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 5 năm tới, báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phúc Thọ lần thứ XXI chỉ rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá, xác định quyết tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh đặc biệt là nhân tố con người quyết tâm xây dựng Phúc Thọ trở thành Huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến, có kinh tế khá giả, môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp. Phấn đấu đến năm 2025, huyện hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao; một số khu chăn nuôi tập trung; lấp đầy được 50% các cụm công nghiệp đã được đầu tư; hoàn thành một số tuyến đường giao thông trọng điểm, trục phát triển kinh tế của huyện…
Tin tưởng, từ những kết quả đã đạt được của công cuộc xây dựng nông thôn mới cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, chắc chắn sẽ tạo tiền đề tích cực cho việc triển khai thành công hơn chương trình này trong thời gian tới; qua đó sẽ góp phần mang lại một cuộc sống chất lượng hơn cho người nông dân huyện Phúc Thọ ngày một ấm no, hạnh phúc.
Nguồn, ảnh: Phương Huế